Quân đội Hoa Kỳ Tội ác của Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam

Cuốn sách 'Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam' của tác giả Nick Turse (Nhà xuất bản Metropolitan Books, 2013), cho biết vụ Thảm sát Sơn Mỹ không phải là một sự việc cá biệt. Tác giả đã khám phá ra một mớ tài liệu của Lầu Năm Góc dài 9000 trang về 320 vụ thảm sát ở Việt Nam trong khi làm nghiên cứu luận án tiến sĩ ở Đại học Columbia. Trong số đó không có vụ thảm sát ở Sơn Mỹ.

Một tốp lính Mỹ/Việt Nam Cộng hòa dùng dao rạch bụng tù binh một cách dã man

Tựa cuốn sách dựa trên câu mệnh lệnh của một đơn vị lính Mỹ khi đi càn ở một vùng ven biển miền trung vào năm 1968. Jamie Henry, y tá 20 tuổi của đơn vị lúc đó cho biết họ đã giết 19 dân thường, đàn bà và con nít. Khi Henry về Mỹ, ông đã tổ chức một buổi họp báo để tố cáo với dư luận, nhưng không được phản hồi gì từ chính quyền. Dựa trên tài liệu trên thì bây giờ người ta mới biết là ngày đó quân đội có điều tra câu chuyện của ông và kết luận nó đã xảy ra, tuy nhiên họ không làm gì để trừng phạt những kẻ thủ ác.

Tài liệu cho thấy "tất cả các sư đoàn quân hoạt động ở Việt Nam đều dính vào những tội ác tàn bạo". Họ tìm ra một hình thức "tấn công lặp lại trên những gia đình bình thường người Việt, phá hủy nhà cửa, ruộng vườn, tra tấn, hiếp, giết và hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì cả.Những nhân viên điều tra của quân đội ghi lại bảy vụ thảm sát lớn từ 1967 đến 1971 với ít nhất là 137 nạn nhân. Họ miêu tả 78 vụ tấn công vào dân thường trong đó đã giết ít nhất 57, làm bị thương 56 và tấn công tình dục 15 người. Có 141 vụ tra tấn dân thường, trong đó có giật điện,Nhân viên điều tra bỏ qua 500 báo cáo khác về tội ác, một số trong đó được miêu tả là giết người nghiêm trọng. Một trung sĩ báo cáo việc lính Mỹ giết dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1970 như sau; 'Tôi muốn nói với anh là có khoảng 120-150 vụ giết người, hay một vụ Mỹ Lai cho mỗi tháng trong hơn một năm". Mặc dù vậy báo cáo của người này không được quân đội điều tra sâu hơn.Dĩ nhiên là tài liệu mà Nick Turse tìm ra chỉ nhắc đến những vụ mà quân đội điều tra. Có thể nói hàng trăm, hoặc hàng ngàn những vụ khác không được báo cáo, ví dụ như vụ cựu Nghị sĩ Bob Kerrey và đồng đội giết dân làng không vũ trang trong vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 1969, chỉ được biết đến lần đầu tiên vào năm 2001.

Công ước Geneva năm 1949 và chính sách chính thức của Mỹ đòi hỏi phải bảo vệ dân thường trong thời chiến. Có 125 báo cáo của nhân chứng tội ác được trình bày ở cuộc 'Điều tra Quân nhân mùa Đông' tại Detroit năm 1971, được tổ chức bởi Hội Cựu chiến binh Chống Chiến tranh'.Báo cáo gần đây nhất xác nhận tội ác ở Việt Nam là câu chuyện 'Tiger Force', thắng giải Pulitzer 2004. Tiger Force là một đơn vị ưu tú của Sư đoàn Dù 101, và theo the Blade, "'đã giết dân thường không vũ trang và trẻ em trong một cơn điên giết người kéo dài bảy tháng". Câu chuyện này cũng cho biết quan chức của quân đội đã không ngăn chặn những tội ác đó và cũng không truy tố binh lính phạm tội. Câu chuyện đó đã được viết thành sách gần đây mang tựa đề, Tiger Force: A True Story of Men and War. Những tiết lộ mới nhất của LA Times (qua khám phá của Nick Turse) cho thấy một phạm vi lớn hơn và đối diện với không phải là một đơn vị mà là tất cả các sư đoàn tham chiến ở Việt Nam.

Các tài liệu Tội ác Chiến tranh Việt Nam mà Nick Turse khám phá ra được trong Viện Lưu trữ Quốc gia bây giờ đã bị đóng lại với công chúng, với lý do nó chứa đựng thông tin cá nhân được bảo vệ trước Luật Tự do Thông tin.[9]

Thảm sát Mỹ Lai 1968

Bài chi tiết: Thảm sát Mỹ Lai

Diễn biến

Thảm sát Mỹ Lai hay gọi là thảm sát Sơn Mỹ là một trong những tội ác của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Vụ thảm sát xảy ra vào ngày 16 tháng 3 năm 1968 tại thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đơn vị gây nên vụ thảm sát là đại đội C (charlie), tiểu đoàn 1, trung đoàn 4, lữ đoàn bộ binh số 11, sư đoàn Americal (Sư đoàn bộ binh số 23), thuộc Lục quân Hoa Kỳ. Vụ việc chỉ xảy ra chưa đầy 1 tháng sau sự kiện Tết Mậu thân do tình báo Mỹ cung cấp thông tin là có 1 tiểu đoàn của quân giải phóng rút về đây.

Sáng 16 tháng 3, pháo binh và trực thăng bắt đầu đợt bắn phá ngắn dọn đường cho quân Mỹ tiến vào Sơn Mỹ. Trong làng không có bất cứ 1 lính du kích nào. Lính Mỹ hành quân mà không gặp kháng cự gì, không có một phát súng bắn trả nào, họ chỉ thấy có mỗi phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, William Calley - chỉ huy đơn vị bắt đầu cho binh lính mình nã súng vào những vị trí, những ngôi nhà dân mà ông gọi là "địa điểm tình nghi có đối phương". Mức độ dã man ngày càng tăng lên, người hay gia súc đều bị giết. Lính Mỹ dùng lựu đạn, lưỡi lê và súng trường giết người một cách rất "thoải mái", cả những người đầu hàng cũng bị giết. Từ trẻ đến già, từ bé đến lớn, không kể người hay súc vật, tất cả đều bị giết.

Binh lính bắt đầu nổi điên, họ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, đàn bà, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết... Những nơi khác trong làng, nỗi bạo tàn (của lính Mỹ) mỗi lúc chồng chất. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt; những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị cắt xẻo với dấu "C Company" ("Đại đội C") trên ngực. Đến cuối buổi sáng thì tin tức của vụ thảm sát đến tai thượng cấp và lệnh ngừng bắn được đưa ra. Nhưng Mỹ Lai đã tan hoang, xác người la liệt khắp nơi.[10]

Những người phụ nữ Việt Nam với các em nhỏ tại Mỹ Lai ngày 16 tháng 3 năm 1968. Họ bị lính Mỹ giết gần như ngay sau khi bức ảnh được chụp

Duy nhất chỉ có chuẩn úy Hugh Thompson - phi công lái trực thăng OH-23 cùng tổ bay của mình là những người ngăn cản đồng đội thực hiện việc giết chóc và cứu họ. Chính mắt Thompson đã nhìn thấy đại úy Medina đã bắn thẳng vào đầu 1 phụ nữ, khi bị buộc tội thì ông ta biện hộ: "người phụ nữ đang cầm 1 quả lựu đạn !".

"Có thể nói đa phần lính trong đơn vị tôi không coi dân Việt Nam là người". Chuẩn úy Thompson nói.[11]

Hậu quả

"Quang cảnh phía dưới trông như một bể máu! Cái quái gì đang xảy ra vậy?" Một phi công Mỹ nói.[12]

Tổng cộng đã có 347 người bị giết theo nguồn tin của Mỹ và 504 người bị giết theo nguồn tin của Việt Nam. Nạn nhân nhỏ nhất là 1 tuổi và lớn nhất là 82 tuổi. Chỉ có 16 người được đội bay của Thompson giải cứu trong đó có 1 đứa trẻ. Ngay sau đó, Hugh đã báo cáo tình trạng khẩn cấp đối với thiếu tá Watke, lệnh ngừng bắn được đưa ra. Làng Mỹ Lai đã tan hoang, xác người nằm la liệt khắp nơi. Lính Mỹ duy nhất bị thương trong vụ thảm sát là binh nhất Carter, người tự bắn vào chân mình để không tham gia vụ giết chóc.

Binh nhất Carter, người duy nhất "bị thương" trong vụ thảm sát vì tự bắn vào chân

Sự che giấu trong điều tra

"Khi rời làng, tôi chẳng còn thấy một ai sống sót". Binh nhất Robert Maplesn nói [13]

Những báo cáo đầu tiên của các đơn vị lính Mỹ đã tuyên bố rằng "128 Việt Cộng và 22 dân thường !" bị giết tại làng sau "cuộc đọ súng ác liệt". Theo báo Stars and Stripes của Lục quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó đưa tin thì "Bộ binh Hoa Kỳ đã giết 128 Cộng sản sau một trận đánh đẫm máu kéo dài 1 ngày"!

Cuộc điều tra đầu tiên về chiến dịch Mỹ Lai được thiếu tướng George H. Young giao cho đại tá Henderson, sĩ quan chỉ huy của Lữ đoàn bộ binh nhẹ số 11 phụ trách. Henderson đã thẩm vấn một số binh lính tham gia vụ thảm sát, sau đó đưa ra một báo cáo vào cuối tháng 4 ghi nhận rằng khoảng 22 dân thường đã bị giết hại một cách không cố ý trong chiến dịch. Quân đội Mỹ lúc này vẫn coi sự kiện ở Mỹ Lai là một chiến thắng quân sự khi lính Mỹ đã tiêu diệt được 128 lính đối phương.

Sáu tháng sau, Tom Glen, một binh sĩ 21 tuổi của Lữ đoàn 11, đã viết một lá thư cho tướng Creighton Abrams, tổng chỉ huy mới của các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong lá thư Glen buộc tội Sư đoàn Americal, tức Sư đoàn bộ binh số 23 (và toàn bộ các đơn vị lính Mỹ khác) liên tục sử dụng bạo lực chống lại dân thường Việt Nam, lá thư không trực tiếp nhắc tới vụ Mỹ Lai vì Glen không biết nhiều về vụ tàn sát. Một trong các sĩ quan được giao phân tích lá thư là Colin Powell. Trong báo cáo phân tích, Powell viết: "Điều phản bác lại những gì miêu tả trong bức thư là sự thật rằng quan hệ giữa binh sĩ Hoa Kỳ và người dân Việt Nam là tuyệt vời", một vài nhà quan sát cho rằng cách thức Powell xử lý lá thư đồng nghĩa với việc rửa sạch sự tàn bạo của quân đội Hoa Kỳ ở Mỹ Lai[14]. Tháng 5 năm 2004, Powell, khi này đã là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã trả lời trong chương trình của Larry King trên đài CNN: "Ý tôi là, tôi đã ở trong đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề Mỹ Lai. Tôi ở đó sau khi sự kiện xảy ra. Mà trong chiến tranh thì những vụ việc kinh khủng như vậy vẫn xảy ra, và chúng ta vẫn phải ân hận về chúng"[15].

Vụ thảm sát Mỹ Lai có lẽ sẽ tiếp tục bị che giấu nếu không có bức thư thứ hai của Ron Ridenhour. Ridenhour, một thành viên cũ của Đại đội Charlie và biết về vụ thảm sát qua lời kể của đồng đội, vào tháng 3 năm 1969 đã gửi một lá thư trình bày chi tiết sự kiện Mỹ Lai cho tổng thống Richard M. Nixon, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tham mưu Liên quân và một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ[16]. Phần lớn những người được nhận thư đã bỏ qua tầm quan trọng của nó.

Độc lập với chính phủ, nhà báo Seymour Hersh đã tiến hành cuộc điều tra về vụ Mỹ Lai thông qua các cuộc nói chuyện với Calley. Ngày 12 tháng 11 năm 1969 vụ việc Mỹ Lai vỡ lở. Ngày 20 tháng 11, các tạp chí lớn như Time, LifeNewsweek đồng loạt đăng lên trang bìa vụ thảm sát Mỹ Lai, đài truyền hình CBS cũng phát sóng cuộc phỏng vấn với Paul Meadlo. Tờ Plain DealerCleveland còn mạnh dạn hơn khi đăng các bức ảnh mô tả những dân thường bị giết trong vụ thảm sát. Tháng 11 năm 1969, tướng William R. Peers được chỉ định điều tra về sự kiện Mỹ Lai và các hành động che giấu của Lục quân Hoa Kỳ. Bản báo cáo cuối cùng, bản báo cáo Peers (Peers Report[17]), được công bố tháng 3 năm 1970, đã chỉ trích mạnh mẽ việc các sĩ quan cấp cao che giấu vụ việc cũng như những hành động của các sĩ quan thuộc Đại đội Charlie tại làng Mỹ Lai 4[18]. Theo đó:

"Các binh lính (thuộc tiểu đoàn 1) đã giết ít nhất từ 175 đến 200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Dù trong số bị giết có người ủng hộ hoặc thân với Việt Cộng (họ không mang vũ khí, gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em) nhưng nhiều bằng chứng đã xác nhận rõ chỉ có 3-4 người đích thực là Việt Cộng (VC). Một lính của đại đội được ghi nhận đã vô ý bị thương lúc nạp đạn".[19][20][21]

Phi công trực thăng Hugh Thompson Jr.

Các phiên tòa

Trung úy Calley, trên bìa tạp chí là dòng chữ "Lời thú tội (hay tuyên bố) của trung úy Calley"

Ngày 17 tháng 3 năm 1970, Lục quân Hoa Kỳ đã buộc tội 14 sĩ quan, bao gồm cả thiếu tướng Samuel W. Koster, sĩ quan chỉ huy Sư đoàn Americal (Sư đoàn bộ binh số 23), về việc che giấu thông tin liên quan tới sự kiện Mỹ Lai. Phần lớn các lời buộc tội sau đó đã được hủy bỏ. Chỉ huy lữ đoàn Henderson là sĩ quan duy nhất phải ra tòa án binh về tội che giấu thông tin, dù vậy ông này cũng được tuyên bố trắng án ngày 17 tháng 12 năm 1971[22]

Calley biện hộ rằng anh ta "nên đặt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho lên trên cái tôi của mình". Khi tiến vào Mỹ Lai, tất cả đàn ông ở đâu? Thôn Mỹ Lai toàn là phụ nữtrẻ em, không có thanh niên nào cả. Calley tuyên bố rằng "điều đó có nghĩa là cha chúng xa nhà đi chiến đấu". Calley tuyên bố những phụ nữ và trẻ em mà anh ta sát hại "chắc chắn là Việt Cộng"[23].[24]

Sau phiên tòa 10 tháng, mặc dù đã tuyên bố mình chỉ tuân theo mệnh lệnh của sĩ quan cấp trên (đại úy Medina), Calley bị tòa tuyên là có tội ngày 10 tháng 9 năm 1971 với các tội danh giết người có chủ ý và ra lệnh cho cấp dưới nổ súng. Ban đầu Calley bị tuyên án chung thân, nhưng chỉ 2 ngày sau tổng thống Nixon đã ra lệnh thả Calley. Sau cùng Calley chỉ phải chịu án 4 tháng rưỡi ngồi tù quân sự tại Fort Leavenworth, Kansas, trong thời gian này anh ta vẫn được bạn gái thăm nuôi không hạn chế[25]. Trong một phiên tòa khác, Medina phủ nhận việc ra lệnh thảm sát, và được tuyên trắng án ở tất cả các lời buộc tội. Vài tháng sau phiên tòa, Medina thừa nhận đã che giấu bằng chứng và nói dối Henderson về con số dân thường bị giết[26].

Phần lớn các binh lính có dính líu tới vụ thảm sát Mỹ Lai khi phiên tòa xảy ra đã giải ngũ, vì vậy họ được miễn truy tố. Trong số 26 người bị buộc tội, chỉ có duy nhất Calley bị kết án, và mức án chỉ dừng ở mức 4 tháng rưỡi ngồi tù.

Lực lượng Mãnh Hổ

Bài chi tiết: Lực lượng Mãnh Hổ
Lực lượng Mãnh Hổ tại Thung lũng Dak Tan Kan, tháng 6 năm 1966

Lực lượng Mãnh Hổ là 1 đơn vị đặc nhiệm được thành lập bởi Lục quân Hoa Kỳ năm 1965, do đại tá David Hackworth chỉ huy. Lực lượng này được thành lập để gia nhập lực lượng đặc nhiệm Oregon theo lệnh của tướng William Westmoreland, trở thành một phần của tiểu đoàn 1/327 bộ binh, và đã có mặt tại Quảng Ngãi từ ngày 3 tháng 5 năm 1967 với mục tiêu do thám và ngăn chặn bước chân của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đơn vị này chỉ bao gồm 1 trung đội 45 người, có nhiệm vụ xác định mục tiêu, vị trí của đối phương để bộ binh và không quân tấn công. Binh lính của trung đội này đều mặc binh phục vằn da hổ[27]. Đây là một trong những đơn vị của Hoa Kỳ chịu nhiều tổn thất nhất trong chiến tranh.

Những tội ác mà đơn vị này phạm phải là:

  • Thường xuyên tra tấn và hành quyết tù nhân[28]
  • Thường xuyên cố ý bắn giết thường dân Việt Nam, bao gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già[29]
  • Thường xuyên thực hiện cắt tai sưu tập tai của các nạn nhân[30]
  • Mang vòng cổ làm từ xâu chuỗi tai nạn nhân[31]
  • Lột và sưu tập da đầu nạn nhân[32]
  • Sự kiện một người mẹ trẻ bị đánh thuốc mê, hãm hiếp rồi bị giết[33]
  • Sự kiện một binh sĩ giết một trẻ nhỏ rồi chặt đầu, sau khi mẹ đứa trẻ đã bị giết[34]

Vào tháng 10 năm 2003, báo Toledo Blade đã vạch trần tội ác bằng cách đăng loạt bài điều tra về việc các binh lính của lực lượng này đã phạm một loạt tội ác chiến tranh[35].

Thôn Khánh Giang - Trường Lệ, tỉnh Quảng Ngãi

Tháng 4/1969, hơn 1 năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (16/3/1968), quân đội viễn chinh Mỹ lại tiếp tục gây thêm một vụ giết người tàn bạo mà nạn nhân là 63 người dân vô tội (trong đó có 34 người Kinh, 29 người dân tộc H're, ban đầu, danh sách là 64 người bị giết hại nhưng 1 người đã được xác nhận thoát chết trong một phóng sự của chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài truyền hình Việt Nam vào năm 2015), gồm toàn phụ nữ, người già và trẻ em tại Khánh Giang – Trường Lệ.

Những năm 2010-2012, qua hồi ức của một số cựu binh Mỹ và ít ỏi tài liệu về lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Nam Việt Nam được “giải mật”, dư luận mới nhắc đến vụ Khánh Giang- Trường Lệ với cụm từ “Vụ bắn giết ở thung lũng sông Vệ năm 1969”. Các tài liệu, sách báo trong và ngoài nước cùng lời kể của những người sống sót cho phép tái hiện phần nào thảm cảnh kinh hoàng của vụ giết hại thường dân vô tội mà quân đội Mỹ đã tìm mọi cách phi tang.

Từ đầu năm 1969, sau những cuộc hành quân “tìm diệt” vô vọng và liên tục bị đối phương tấn công sát nách, lực lượng Mỹ đóng tại căn cứ Gò Hội (Đức Phổ) quay sang sử dụng các toán lính đặc nhiệm, dùng trực thăng đổ bộ xuống khu vực tây bắc huyện Đức Phổ - tây nam Nghĩa Hành - đông nam Ba Tơ lùng sục đánh phá vùng căn cứ cách mạng, truy tìm dấu vết Quân Giải phóng.

Đầu tháng 4/1969, một đại đội lính Mỹ đổ quân xuống đồn Dạ Lan (Ba Tơ). Ý đồ của họ là từ đây sẽ ngược lên vùng núi rừng phía Tây bất ngờ tấn công các đơn vị chủ lực quân Giải phóng mà họ nghi ngờ đang có mặt tại đó. Tuy vậy, đến giữa tháng 4, lính Mỹ vẫn mất phương hướng trong việc truy tìm đối phương, lại bị dân quân du kích liên tục đặt mìn, bắn tỉa. Vô vọng trong việc thực hiện mục tiêu, hoang mang vì phải đối mặt với một lực lượng thoắt ẩn, thoắt hiện giữa trùng điệp núi rừng, lính Mỹ trở nên hung hãn, cuồng loạn.

Ngày 16/4/1969, một đơn vị lính Mỹ thuộc lực lượng Tiger Force (Mãnh Hổ) tràn vào Khánh Giang - Trường Lệ đốt phá nhà cửa, bắn giết trâu bò, tìm cách xua người dân ra khỏi xóm làng hòng chia cắt, cô lập lực lượng kháng chiến.

Ngày 17/4, lính Mỹ bắn chết 1 cụ già, làm bị thương 1 em bé. Sáng ngày 18/4, cuộc hành quân truy quét vào vùng Khánh Giang -Trường Lệ tiếp tục. 10 giờ 30 phút, tại gò Đập Đá (Trường Lệ), khi các gia đình đồng bào Hre đang ăn trưa, cuộc thảm sát bắt đầu. Lính Mỹ lùng sục đến từng nhà, lia tiểu liên vào người dân, ném lựu đạn xuống hầm. 29 người, trong đó có 10 phụ nữ và 19 trẻ em bị giết. 11 giờ, phát hiện có nhiều phụ nữ và trẻ em đang ẩn nấp dưới căn hầm chống pháo tại nhà của một người dân tên là Dương Văn Xu, lính Mỹ uy hiếp, tập trung mọi người ra sân rồi dùng tiểu liên bắn trực diện từng người. Kinh hoàng hơn, thi thể 15 người (gồm 6 phụ nữ và 9 trẻ em) bị lính Mỹ chất thành đống ở mé tây ngôi nhà rồi dùng đót khô, dội xăng bột đốt cháy.

Tại một nơi khác, cạnh vườn một nông dân tên là Thủy, lính Mỹ cưỡng bức người dân ra khỏi hầm trú ẩn, dùng súng quây mọi người tại khoảng đất trống bên đường rồi dùng súng liên thanh bắn lia ngang khiến xác người đổ nhào, chồng chất lên nhau. Có 19 người (6 phụ nữ và 13 trẻ em) mất mạng dưới họng súng. Ngoài ra còn có 1 bé trai bị thương, khiếp đảm chạy đi tìm mẹ, lạc chết trong hang núi.

Sau khi thực hiện hành vi giết người tàn bạo, lính Mỹ nhanh chóng rời khỏi khu vực gây tội ác. Đạn pháo từ Nghĩa Hành, Đức Phổ bắt đầu ồ ạt nã vào ngôi làng nhỏ; trên bầu trời máy bay ném bom xăng nhằm hủy diệt xóm làng, xóa bỏ mọi chứng cứ. Suốt 3 ngày đêm, vùng Khánh Giang – Trường Lệ ngập trong biển lửa và quằn quại trong tiếng rền của bom đạn.

Tổng cộng, trong vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ, lính Mỹ đã giết hại 63 người dân vô tội, gồm 22 phụ nữ và 41 trẻ em. Có 10 người may mắn sống sót ở các điểm tàn sát và 7 người khác chạy thoát từ trước khi lính Mỹ quy tập dân chúng.[36]

Thảm sát Thạnh Phong

Bài chi tiết: Thảm sát Thạnh Phong
Bob Kerry năm 2006

Thảm sát Thạnh Phong là sự kiện xảy ra ngày 25 tháng 2 năm 1969 tại Khâu Băng (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), lực lượng biệt kích đặc nhiệm hải quân SEAL của quân đội Mỹ, do Bob Kerrey chỉ huy, giết hại 21 thường dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em trong khi truy tìm một cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Theo lời kể, một toán biệt kích SEAL do trung úy Bob Kerry dẫn đầu tới ấp 5, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhóm biệt kích này dùng dao găm KA-BAR để cắt cổ ông Bùi Văn Vát (66 tuổi) và bà Lưu Thị Cảnh (62 tuổi). Ba đứa cháu nội của ông Vát (6 tuổi, 8 tuổi và 10 tuổi) trốn trong ống cống cũng không thoát. Biệt kích Mỹ lôi 3 cháu nhỏ ra, đâm chết 2 cháu gái và mổ bụng cháu trai. Sau đó, nhóm SEAL lùng sục hầm trú ẩn của các gia đình khác, bắn chết 15 dân thường, trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai, mổ bụng một bé gái.[37]

Sau cuộc thảm sát, Bob Kerrey được tặng thưởng huân chương Sao Đồng (Bronze Star) do "kết quả của cuộc tuần tiễu là 21 Việt Cộng bị giết, hai căn nhà bị phá hủy, và thu được 2 vũ khí!"[38]

Năm 2001, Tạp chí New York Times và chương trình 60 Minutes II của đài truyền hình Mỹ CBS đã thực hiện một loạt phóng sự về sự kiện trên. Theo lời kể của một số nhân chứng thì đội của ông đầu tiên đã tấn công và dùng dao giết nhiều người trong một ngôi nhà mà trong đó chỉ có người già và trẻ em, sau đó họ nã súng vào giữa làng giết nhiều phụ nữ. Cuối cùng, Bob Kerrey đã phải nhận tội với tư cách là chỉ huy đội biệt kích. Lời biện hộ của ông là: "Quy trình tiêu chuẩn là phải loại bỏ những người mà chúng tôi chạm trán" (Standard operating procedure was to dispose of the people we made contact with)[39].

Năm 2009, nhân ngày giỗ lần thứ 40 của các nạn nhân, gia đình ông Vát tặng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3, TPHCM) chiếc ống cống - nơi 3 cháu nhỏ trốn mà không thoát[40]

Chiến dịch Speedy Express

Biệt kích Hoa Kỳ đang "khoe" thủ cấp chặt được của binh sĩ Quân Giải phóng, ảnh chụp tháng 5 năm 1968.

Chiến dịch Speedy Express (tiếng Anh: Operation Speedy Express) là một chiến dịch do quân đội Hoa Kỳ mở ra vào đầu tháng 12 năm 1968 đến ngày 11 tháng 5 năm 1969 tại địa phận các tỉnh Định Tường (Tiền Giang), Kiến HòaGò Công. Mục tiêu của chiến dịch là tấn công các đơn vị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm ngăn chặn can thiệp vào các nỗ lực bình định của Quân đội Mỹ ở khu vực và cắt đứt đường dây liên lạc của đối phương. Cuộc tấn công có quy mô khá lớn: 8.000 lính lục quân, 50 pháo, 50 trực tăng và ném bom tăng cường. Không quân Hoa Kỳ đã cho tiến hành 3.381 phi vụ tấn công chiến thuật bằng máy bay tiêm kích ném bom nhằm phục vụ chiến dịch. Cuộc tấn công theo Hoa Kỳ là đã "thành công mỹ mãn" với tổn thất của quân đội Hoa Kỳ chỉ là 40 tử trận, 312 bị thương còn thương vong của Quân Giải Phóng theo Hoa Kỳ lên tới 10.889. Tuy chiến dịch đã gây tổn thất cho Mặt Trận nhưng 1 vụ bê bối đã nổ ra khi số liệu thống kê không phù hợp: Mỹ tuyên bố có 10.889 quân Giải phòng bị tiêu diệt nhưng họ chỉ thu được 748 vũ khí. Theo các nhà bình luận, ít nhất đã có 5.000 thường dân bị giết hại, tức chiếm 50% số lượng "địch bị giết" trong báo cáo của Mỹ, báo chí đã so sánh chiến dịch với vụ thảm sát Mỹ Lai.[41]

Trong số báo ra ngày 1 tháng 12 năm 2008 trên tạp chí Nation, tác giả Nick Turse đã viết bài báo có nhan đề "A My Lai a Month (Một Mỹ Lai một tháng)" theo đó ông cho rằng Chiến dịch Speedy Express là để thảm sát dân thường.[9]

Các hoạt động ám sát của CIA

CIA bắt đầu sử dụng đội biệt kích SEAL trong các chiến dịch bí mật hồi đầu năm 1963. Các thành viên SEAL tham gia Chiến dịch Phượng Hoàng do CIA tài trợ với mục đích bắt giam, ám sát các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nằm vùng và những người dân ủng hộ họ.

Trong cuốn sách "Vấn đề tra tấn: Thẩm vấn của CIA, từ Chiến tranh lạnh tới cuộc chiến chống khủng bố" của Alfred McCoy xuất bản năm 2006, CIA đã sử dụng các biện pháp tra tấn một cách có hệ thống. Barton Osborn, một sĩ quan tình báo quân đội tham gia chiến dịch Phượng Hoàng, kể rằng, trong số hình thức tra tấn dã man có gí điện vào cơ quan sinh dục người bị hỏi cung, đóng đinh vào tai cho đến chết… Osborn tham gia chiến dịch suốt 18 tháng, nhưng không thấy người nào sống sót sau khi bị hỏi cung.

Vì SEAL thường dùng dao găm KA-BAR để giết người theo kiểu man rợ, nên KA-BAR được gọi là dao đồ tể[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tội ác của Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam http://www.greenleft.org.au/2007/706/36655 http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KI01Ae... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/1508... http://www.consortiumnews.com/archive/colin3.html http://www.crimelibrary.com/notorious_murders/mass... http://www.dailykos.com/story/2014/9/20/1331165/-T... http://landtourcondao.com/news/502/229/Nguoi-My-ki... http://www.thenation.com/doc/20081201/turse http://www.toledoblade.com/apps/pbcs.dll/section?C... http://www.law.umkc.edu/faculty/projects/ftrials/m...